Skip Navigation LinksChiTiet

Tin tức tổng hợp

Xem với cỡ chữAA

Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở An Biên đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1

(10/09/2024 3:09:00 CH)

Ngày 04/9/2024 Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở An Biên tổ chức Lễ đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1, chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục Cấp độ 2 và Khai giảng năm học 2024-2025. Bà Phan Thị Cẩm My Phó Trưởng phòng Khoa giáo, Văn hoá-Văn nghệ Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ, ông Huỳnh Văn Hoá Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện lãnh đạo địa phương, thầy cô giáo và gần 279 học sinh đến dự lễ.

Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở An Biên được thành lập theo Quyết định số 961/QĐ-UBND, ngày 26 tháng 4 năm 2016 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Sau 08 năm hoạt động, nhà trường đã đạt được những thành tựu nổi bật, được cha mẹ học sinh vùng U Minh Thượng tin tưởng để cho con em theo học tại mái trường nội trú; từng bước khẳng định được uy tín, chất lượng giáo dục toàn diện. Đội ngũ giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, nhiệt tình, trách nhiệm cao. Đa số học sinh của trường ngoan, chấp hành tốt nội quy của nhà trường, có tinh thần giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện nên tỉ lệ học sinh xếp loại khá, lên lớp hàng năm tăng dần.

Từ 2018-2019 đến năm học 2022-2023: tỉ lệ học sinh vào lớp 6 huy động hàng năm 100%, học sinh được khám sức khoẻ định kì hàng năm là 100%; học sinh lên lớp thẳng 100%; học sinh hoàn thành chương trình THCS đạt tỷ lệ 100%. Năm học 2023-2024, Kết quả học tập (Học lực): Tốt (Giỏi) chiếm tỉ lệ 8,7%; Khá chiếm tỉ lệ 55%; Đạt (Trung bình) chiếm tỉ lệ 36,3%; Kết quả rèn luyện (Hạnh kiểm): Tốt chiếm tỉ lệ 97,82%; Khá chiếm tỉ lệ 2,18%. Năm học 2024-2025 trường có 28 viên chức và người lao động; có 100% viên chức trường đạt trình độ chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn (thạc sĩ) là 03 người. Năm học 2024-2025, Tổng số học sinh là 279 em được chia thành 09 lớp (trong đó có 3 lớp 6 với 99 học sinh). Chi bộ có 18 đảng viên, năm 2023 chi bộ xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trường luôn quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên, tích cực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá đối với học sinh. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy. Thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch giảng dạy, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp, các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp với học sinh dân tộc nội trú; nhà trường tổ chức các hoạt động truyền thống như múa hát, ẩm thực truyền thống dân tộc Khmer, tìm hiểu về phong tục tập quán của dân tộc.

Cùng với việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kì kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Trong năm học 2023-2024, nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị đúng quy cách, quy định; phòng học bộ môn, thư viện đạt chuẩn, khu phục vụ học tập, khối hành chính - quản trị; khu nhà ở công vụ với 10 phòng đảm bảo tốt nhu cầu ở nội trú cho giáo viên cho có điều kiện về nhà ở; khu vực kí túc xá học sinh gồm 30 phòng và nhà ăn tập thể đáp ứng 100% nhu cầu trong công tác chăm sóc và nuôi dưỡng toàn bộ học sinh nội trú, đảm bảo đáp ứng tốt hoạt động dạy học và các hoạt động khác của nhà trường.

Trường đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đặc biệt là công tác phối hợp giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, hoạt động giáo dục; Nhà trường tích cực chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương xây dựng tốt kế hoạch phát triển nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Ban đại diện cha mẹ học sinh luôn có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường để xây dựng kế hoạch hoạt động và các biện pháp giáo dục toàn diện học sinh có hiệu quả.

Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên nhà trường thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 6 đến lớp 9; Tiếp tục thực hiện các cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; thực hiện chủ đề năm học “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cẩm My

Phòng Khoa giáo, Văn hoá-văn nghệ

Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ

EMC Đã kết nối EMC